XtGem Forum catalog
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Điệu vũ bên lề


Phan_4

Không có ai thấy, nên một vài đứa đi tìm hắn. Rốt cuộc họ tìm thấy hắn trong phòng Patrick, đang… ngủ.

Rồi thì Patrick gọi điện cho ba mẹ Brad, bởi cậu ấy rất lo cho hắn. Cậu không kể với họ lý do, nhưng có nói rằng Brad đâm mệt nặng giữa lúc dự tiệc, cần được đưa về nhà. Ba mẹ Brad tới thật, rồi ba Brad cùng vài cậu nữa, có cả Patrick, cùng khiêng Brad ra xe.

Patrick không biết Brad ngủ thật hay vờ lúc đó, nhưng nếu là vờ thì hắn diễn tốt quá. Ba mẹ Brad gửi hắn vào trường cai nghiện bởi ba Brad không muốn hắn bỏ lỡ cơ hội giành học bổng bóng bầu dục. Thời gian còn lại trong hè, Patrick không gặp Brad.

Ba mẹ Brad không bao giờ ngộ ra được lý do con trai của họ cứ phê thuốc và say rượu liên miên. Cũng không ai hiểu cả. Ngoại trừ những người biết chuyện.

Khi năm học mới bắt đầu, Brad tránh mặt Patrick liên tục. Hắn không tới dự những buổi tiệc hay bất kỳ hoạt động nào có mặt Patrick, mãi cho tới hơn một tháng trước. Đó là đêm hắn ném đá vào cửa sổ của Patrick để nói với Patrick rằng không ai biết được đâu, và Patrick hiểu. Hiện giờ họ chỉ gặp nhau buổi tối ở sân golf và những bữa tiệc như chỗ Bob, nơi bạn bè đều kín miệng và hiểu chuyện.

Tôi hỏi Patrick cậu ấy có thấy buồn chuyện phải giữ bí mật hay không, Patrick đáp cậu ấy không buồn, vì ít ra bây giờ Brad không phải tự chuốc cho say rượu hay say thuốc để làm tình.

Thương mến,

Charlie

Ngày 8 tháng Mười Một, 1991

Bạn thân mến,

Thầy Bill cho tôi con B đầu tiên trong lớp ngữ văn nâng cao, bài viết về Peter Pan! Nói thật với bạn, tôi không biết bài này khác gì những bài trước tôi làm. Thầy bảo cảm nhận ngôn ngữ của tôi đang tốt lên, cấu trúc câu tôi dùng cũng cải thiện. Thật tuyệt khi tôi tiến bộ trong mấy thứ này mà không nhận ra. Nhân tiện kể tiếp là trong phiếu báo điểm và thư gửi phụ huynh, thầy Bill cho tôi điểm A. Điểm cho mấy bài này chỉ có tôi và bạn biết thôi.

Tôi cho rằng có thể tôi muốn viết văn khi lớn lên. Tôi chỉ không rõ sẽ viết cái gì.

Tôi nghĩ về việc viết bài cho tạp chí, chỉ để trên đó không chỉ có những bài nội dung rỗng tuếch như tôi từng kể với bạn trước đây. “Cô…lau sốt mù tạc mật ong trên môi, rồi cô bộc bạch với tôi về người chồng thứ ba của mình cùng năng lực chữa lành của đồ pha lê”. Nhưng thực sự, tôi nghĩ tôi mà làm phóng viên sẽ rất tệ, bởi tôi không tưởng tượng nổi chuyện ngồi cách một chính khách hay ngôi sao điện ảnh chỉ một cái bàn và hỏi han này kia. Có khi tôi chỉ hỏi xin chữ ký của họ cho mẹ tôi cũng nên. Thế thì có thể tôi sẽ bị đuổi việc. Cho nên tôi mới nghĩ tới việc viết bài cho báo, bởi tôi có thể hỏi han những người bình thường, nhưng chị tôi bảo báo biếc lúc nào cũng lừa dối. Tôi không biết lời đó có đúng không, để chừng nào tôi lớn hơn sẽ tìm hiểu thử xem.

Tôi bắt đầu làm cho một tờ tạp chí dành cho người hâm mộ là Punk Rocky. Nó được photo màu thành nhiều bản, nội dung về nhạc punk và chương trình Rocky Horror Picture Show. Tôi không viết bài cho họ, chỉ giúp việc lặt vặt.

Mary Elizabeth quản lý tờ báo, cũng như các buổi chiếu Rocky Horror Picture Show tại địa phương. Mary Elizabeth là một người rất thú vị, bởi cô ấy có một hình xăm biểu trưng cho Phật giáo, một cái khuyên rốn và chơi kiểu tóc dễ làm người ta nhức mắt, nhưng khi cô ấy đã quản cái gì thì hành xử cứ như ba tôi lúc ông về nhà sau một “ngày dài”. Cô ấy học lớp trên, có lần cô bảo chị tôi là đứa ưa thọc gậy và rởm đời. Tôi bảo cô ấy đừng nói như vậy về chị tôi nữa.

Trong những việc tôi đã làm năm nay, tôi thích nhất buổi chiếu Rocky Horror Picture Show. Patrick và Sam đưa tôi tới rạp xem vào đêm Halloween. Thật là nhộn vì tất cả bọn tôi ăn mặc như người trong phim, và diễn cảnh phim trước màn hình. Người ta cũng gào theo lời thoại trong phim nữa. Chắc là bạn biết chuyện này rồi, nhưng tôi cứ kể phòng khi bạn chưa biết.

Patrick đóng vai “Frank ‘n Furter.” Sam là “Janet.” Rất khó tập trung xem phim khi Sam đóng vai Janet mặc đồ lót đi qua đi lại. Tôi thực sự cố gắng không nghĩ về cô ấy theo hướng đó, nhưng quả là càng lúc càng khó khăn.

Nói thật với bạn, tôi yêu Sam. Đó không phải là kiểu yêu đương trên phim. Đôi lúc tôi chỉ nhìn ngắm cô ấy, và nghĩ rằng cô ấy là người xinh đẹp tử tế nhất trên đời. Cô ấy cũng rất thông minh và vui vẻ. Tôi viết một bài thơ cho cô ấy sau lần cùng xem phim hôm ấy, nhưng tôi không cho cô ấy xem, bởi tôi ngượng. Tôi sẽ viết lại bạn đọc, nhưng tôi nghĩ làm vậy là không tôn trọng Sam.

Chuyện là Sam giờ đang hẹn hò với một gã tên là Craig.

Craig lớn tuổi hơn anh tôi. Tôi nghĩ có khi hắn tới hai mươi mốt tuổi rồi, bởi hắn uống rượu vang đỏ. Craig đóng vai “Rocky”. Patrick nói là Craig “tỉa tót và lực lưỡng”. Tôi không biết là Patrick lấy đâu ra từ kiểu thế.

Nhưng cậu ấy đúng, Craig tỉa tót và lực lưỡng. Hắn cũng là người rất sáng tạo. Hắn tự kiếm tiền để vào học ở Viện nghệ thuật bằng cách làm người mẫu nam trong catalogue sản phẩm của công ty JCPenney, và những việc tương tự. Hắn thích chụp ảnh, tôi đã thấy vài bức hắn chụp, khá ổn. Có một bức chụp Sam thật đẹp. Không thể mô tả nó đẹp như thế nào, nhưng để tôi thử nhé.

Nếu bạn nghe bài “Asleep”, bạn nhớ về những ngày trời đẹp gợi nhớ trong ta nhiều điều, nhớ về đôi mắt đẹp nhất ta từng biết, rồi bạn khóc, rồi người ấy quàng tay ôm lưng bạn. Tôi nghĩ khi đó bạn sẽ thấy được vẻ đẹp bức hình.

Tôi muốn Sam thôi thích Craig.

Này, tôi đoán bạn nghĩ là do tôi ghen với hắn. Không đâu. Thật đấy. Chỉ có điều Craig không thực sự lắng nghe khi cô ấy trò chuyện. Tôi không có ý nói hắn là kẻ xấu bởi vì hắn không xấu. Chỉ có điều lúc nào trông hắn cũng xao nhãng thế nào đó.

Ví như chuyện hắn chụp ảnh cho Sam, bức ảnh rất đẹp. Khi đó hắn nghĩ rằng bức ảnh đẹp là nhờ hắn chụp khéo. Nếu tôi mà chụp, tôi biết lý do duy nhất làm cho bức ảnh đẹp là Sam.

Tôi chỉ nghĩ thật tệ khi một chàng nhìn một cô gái mà lại cho rằng cách anh ta nhìn nhận cô gái đáng kể hơn so với giá trị thực sự của cô ấy. Cũng chẳng hay gì khi anh ta nhìn cô ấy thành thực nhất là khi ngó qua ống kính máy ảnh. Tôi không nghĩ Sam thấy mình được coi trọng hơn chỉ vì một anh chàng lớn tuổi hơn nhìn nhận cô ấy như thế.

Tôi hỏi chị tôi chuyện này, và chị bảo rằng Sam ít tự trọng. Chị cũng kể Sam khá nổi tiếng hồi lớp mười một. Theo chị, Sam từng là “nữ hoàng thổi kèn.” Tôi hi vọng bạn biết như thế nghĩa là gì, bởi tôi thực sự không thể nghĩ về Sam mà mô tả lại điều ấy.

Tôi thật sự yêu Sam, và tôi đau lòng lắm.

Tôi có hỏi chị về anh chàng ở bữa tiệc, chị không chịu nói cho tới khi tôi hứa sẽ không hé răng với ai hết, kể cả Bill. Thế đấy, tôi hứa. Chị kể chị vẫn bí mật gặp gỡ anh chàng này từ khi ba cấm chị. Chị nói khi không được gặp, chị cứ nghĩ về anh. Chị bảo hai người định cưới nhau khi chị học đại học xong, còn anh ta thì xong trường luật.

Chị bảo tôi đừng lo bởi anh ta chưa đánh chị lần nào nữa kể từ đêm đó. Chị nói chị cũng không lo bởi anh ta sẽ không đánh chị nữa đâu. Chị không nhắc gì thêm về việc đó, mặc dù vẫn tiếp tục trò chuyện.

Đêm đó, ngồi nói chuyện với chị tôi thật dễ chịu, bởi thường thì chị không bao giờ thích nói chuyện với tôi. Chị nói nhiều đến đáng ngạc nhiên, có lẽ vì chị đang phải giấu giếm nhiều chuyện mà không nói với ai được… Hẳn là chị rất muốn kể với ai đó.

Nhưng chị có bảo tôi không phải lo thì tôi vẫn lo lắng cho chị. Dù sao đi nữa, chị ấy là chị ruột của tôi mà.

Thương mến,

Charlie

Ngày 12 tháng Mười Một, 1991

Bạn thân mến,

Tôi thích bánh Twinkie, tôi nói điều này là bởi chúng ta đều phải nghĩ ra lý do để tồn tại. Trong giờ khoa học, thầy Z. kể với bọn tôi về một thí nghiệm, trong đó người ta bắt một con chuột, rồi đặt nó vào một bên lồng nhốt. Phía bên kia lồng, họ đặt một mẩu đồ ăn nhỏ. Con chuột này sẽ bò sang chỗ đó và ăn. Rồi họ đặt con chuột về chỗ ban đầu, và lần này họ nối điện vào phần đáy lồng mà con chuột phải bò qua để tới chỗ thức ăn. Khi tăng điện áp tới một mức nhất định, con chuột không bò qua lấy mẩu thức ăn nữa. Rồi họ lặp lại thí nghiệm, nhưng thay thế mẩu thức ăn bằng thứ gì đó mang lại khoái cảm mãnh liệt cho con chuột. Tôi không biết thứ mang lại khoái cảm mãnh liệt cho con chuột là gì, chắc là một loại bả chuột. Cốt lõi là các nhà khoa học phát hiện ra con chuột sẵn sàng chịu mức điện áp cao hơn để đạt được khoái cảm kia. Cao hơn cả mức điện áp để lấy đồ ăn.

Tôi không rõ tầm quan trọng của thí nghiệm này, nhưng vẫn thấy nó rất thú vị.

Thương mến,

Charlie

Ngày 15 tháng Mười Một, 1991

Bạn thân mến,

Nơi đây, trời bắt đầu trở lạnh và có sương giá. Thời tiết đẹp đẽ của mùa thu đã phôi pha khá nhiều rồi. Tin tốt là bọn tôi sắp được nghỉ lễ, tôi thích lắm, vì thế nghĩa là anh tôi sẽ sớm về thăm nhà. Có khi trọn cả kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn! Ít ra, tôi mong anh sẽ chịu về vì mẹ.

Mấy tuần rồi, anh tôi chưa gọi điện về nhà, mẹ tôi cứ nói mãi về điểm số, lẫn chuyện ăn uống ngủ nghê của anh, còn ba chỉ trả lời bằng một câu.

“Thằng bé sẽ không bị thương đâu mà.”

Tôi thì nghĩ anh ấy đang trải nghiệm đời sinh viên như trên phim. Ý tôi không phải mấy phim tiệc tùng thác loạn của hội nam sinh, mà là loại phim trong đó anh chàng nọ gặp một cô nàng thông minh, mặc nhiều áo khoác len và uống cacao. Họ trò chuyện về sách, về đủ mọi chuyện và hôn nhau trong mưa. Tôi nghĩ anh chàng đó thật tốt phúc, nhất là nếu cô nàng xinh đẹp không theo chuẩn mực thông thường. Con gái kiểu ấy mới là tuyệt nhất, tôi nghĩ vậy. Còn các cô kiểu “siêu mẫu” nom cứ kỳ khôi thế nào. Tôi không biết tại sao lại thế…

Ngược lại, anh trai tôi lại dán tranh ảnh các cô “siêu mẫu”, xe hơi, bia bọt và đại loại thế đầy phòng. Tôi nghĩ nếu bạn thêm vào một cái sàn nhà bẩn thỉu nữa là thành ra phòng ký túc xá của anh ấy. Anh tôi cực ghét dọn giường, nhưng lại giữ tủ quần áo rất ngăn nắp. Không hiểu nổi.

Vấn đề là khi gọi về nhà, anh chẳng nói gì mấy. Anh kể chút ít về các môn học của anh, nhưng chủ yếu là về đội bóng bầu dục. Đội bóng là tâm điểm của cả trường vì họ chơi giỏi và có vài cầu thủ nhà nghề quan trọng. Anh tôi bảo một tay trong số đó sau này sẽ thành triệu phú, dù hắn “ngu như cái lu.” Tôi thấy nói vậy nghe ngớ ngẩn thế nào.

Anh tôi kể có lần cả đội ngồi trong phòng để đồ, huyên thuyên về điều kiện vào đội bóng bầu dục của trường đại học. Rồi nhân đó nói sang chuyện điểm số SAT, cái này thì tôi chưa thi bao giờ.

Cái tên anh tôi kể nói, “Tao được 710.”

Anh tôi hỏi lại, “Điểm phần toán hay ngôn ngữ?”

Tay kia ngớ ra, “Hở?”

Thế là cả đội cười phá lên.

Tôi luôn muốn tham gia trong một đội thể thao như vậy. Không rõ đích xác là tại sao, nhưng tôi luôn nghĩ sẽ rất vui khi có “những ngày vinh quang.” Rồi thì tôi sẽ có chuyện hay để kể cho con cháu và đám bạn chơi golf. Còn như bây giờ thì tôi có thể kể về tờ Punk Rocky, chuyện đi bộ về nhà sau khi tan trường, đại loại thế. Có lẽ đó cũng là những ngày vinh quang của tôi mà tôi không nhận ra bởi chẳng dính dáng gì tới quả bóng.

Hồi còn nhỏ, tôi từng chơi thể thao, chơi rất được nữa là khác, nhưng khổ nỗi hễ chơi nhiều là tôi đâm ra kích động quá mức, nên bác sĩ khuyên mẹ tôi cho tôi nghỉ tập.

Ba tôi cũng từng có những ngày vinh quang. Tôi đã thấy những bức ảnh chụp hồi ông còn trẻ. Khi ấy ba rất đẹp trai. Tôi không biết diễn đạt cách nào. Nghĩa là, ảnh ba cũng như bao tấm ảnh cũ kỹ khác. Những tấm ảnh cũ trông phong trần và chứa đựng tuổi xuân vĩnh viễn, và người trong ảnh luôn có vẻ hạnh phúc hơn ta bây giờ nhiều.

Mẹ tôi rất đẹp trong những bức ảnh cũ. Thực sự thì mẹ trông xinh hơn bất kỳ ai khác, có lẽ ngoại trừ Sam. Thi thoảng, tôi ngắm ba mẹ tôi hiện tại và tự hỏi điều gì đã xảy ra khiến họ trở thành con người như hôm nay. Và rồi tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với chị tôi khi anh chàng bạn trai của chị tốt nghiệp trường luật. Và gương mặt anh tôi sẽ trông ra sao khi là thành viên đội bóng và được in ảnh trên bộ bài hình cầu thủ bán lưu niệm, hoặc gương mặt ấy sẽ trông ra sao nếu không bao giờ xuất hiện trên lá bài như thế. Ba tôi từng chơi hai năm cho đội bóng chày trường đại học, nhưng ông phải nghỉ khi mẹ mang thai anh tôi. Đó là dạo ông bắt đầu làm việc ở văn phòng. Tôi thật sự không biết ba tôi làm công việc gì.

Thi thoảng ông kể chuyện. Một câu chuyện tuyệt vời. Luôn luôn liên quan tới cuộc đấu tranh cúp vô địch bóng chày cấp tiểu bang hồi ông còn học trung học. Khi đó là cuối hiệp chín rồi, và có một cầu thủ chạy gôn ở vị trí gôn đầu (runner on first). Hai người bị loại, và đội của ba đang kém đội kia một điểm. Khi ấy ba tôi là một trong những cầu thủ trẻ nhất đội, vì ông mới học năm hai, và khi ấy chắc cả đội đều nghĩ ba sắp làm hỏng chuyện. Áp lực đè nặng lên ba. Ba rất căng thẳng, sợ nữa. Nhưng sau vài cú ném, ba kể là ông bắt đầu thấy “bắt được nhịp”. Khi người ném lấy đà và ném quả bóng tiếp theo, ba biết chính xác điểm rơi của nó. Ông làm một cú đập bóng mạnh chưa từng có trong đời. Rồi ông hoàn thành vòng chạy suốt, đội bóng của ông thắng giải vô địch cấp tiểu bang. Điều tuyệt nhất ở câu chuyện này là mỗi lần ba kể, nó không bao giờ thay đổi. Ba vốn không thích khoe khoang cường điệu.

Tôi nghĩ về điều này một đôi lần khi xem đấu bóng bầu dục cùng Patrick và Sam. Tôi nhìn ra sân đấu, nghĩ về cầu thủ vừa làm cú chạm đất ghi điểm. Tôi nghĩ hiện tại chính là những ngày vinh quang của anh chàng đó, và khoảnh khắc này ngày nào đó lại sẽ trở thành một câu chuyện kể, bởi tất cả những anh chàng lập được cú ghi điểm vẻ vang trong trận đấu rồi sớm muộn sẽ thành cha. Và khi lũ con ấy nhìn vào bức ảnh kỷ yếu của anh ta, chúng sẽ nghĩ rằng ba chúng sao mà phong trần, đẹp đẽ và trông hạnh phúc hơn chúng nhiều.

Tôi chỉ hi vọng tôi nhớ kể với con cái của tôi rằng chúng hạnh phúc ngang bằng với tôi thời chụp những bức ảnh ấy. Mong chúng sẽ tin tôi.

Thương mến,

Charlie

Ngày 18 tháng Mười Một, 1991

Bạn thân mến,

Cuối cùng thì hôm qua anh tôi cũng gọi điện báo rằng không thể thu xếp về dự Lễ Tạ Ơn kịp cuối tuần, bởi do bận chơi bóng mà anh đã chậm việc học. Mẹ tôi buồn bực tới nỗi dắt tôi đi mua quần áo mới.

Tôi biết bạn nghĩ tôi nói quá lên trong mấy chuyện sắp kể ra đây, nhưng tôi hứa là không hề. Suốt từ lúc hai mẹ con bước vào xe cho tới khi về đến nhà, mẹ tôi không ngừng nói một phút nào cả. Không hề. Ngay cả khi tôi rúc vào phòng thử đồ để thử quần tây.

Bà cứ đứng ngoài phòng thử mà chuyển hóa lo lắng thành lời. Chuyện bà kể vang vọng khắp cửa tiệm. Đầu tiên là đúng ra ba tôi phải ép anh về nhà, dẫu một buổi chiều cũng được. Rồi đến chuyện chị tôi phải bắt đầu nghĩ tới tương lai, và nộp đơn vào những trường “an toàn” phòng khi những trường tốt hơn không nhận. Rồi bà chuyển qua khen rằng màu xám hợp với tôi.

Tôi hiểu được lòng mẹ đang nghĩ gì. Thật sự.

Giống như hồi bọn tôi còn nhỏ, cùng mẹ ra hiệu tạp hóa. Chị và anh tôi cãi nhau về những chuyện hai người họ vốn chẳng bao giờ thuận thảo, tôi thì ngồi gọn lỏn trong cái xe đẩy mua hàng. Cuối cùng mẹ phát bực tới nỗi đẩy cái xe bon bon, làm tôi thấy như đang ngồi trong khoang con tàu ngầm.

Tình hình hôm qua cũng giống vậy, chỉ khác là lần này tôi ngồi ở ghế trước xe.

Lúc tôi gặp Sam và Patrick ở trường hôm nay, cả hai đồng ý rằng mẹ tôi rất có khiếu chọn đồ. Tôi kể cho mẹ nghe khi đi học về, và mẹ cười tươi. Mẹ hỏi tôi có muốn mời Sam và Patrick tới dùng bữa tối sau kỳ nghỉ hay không, vì mẹ tôi chịu đủ căng thẳng cho kỳ nghỉ này rồi. Tôi gọi cho Sam cùng Patrick, và họ nói sẽ đến.

Tôi thật sự bị kích động.

Lần gần nhất tôi rủ bạn đến nhà dùng bữa tối là mời Michael vào năm ngoái. Có món bánh thịt chiên giòn. Tuyệt nhất là Michael ở lại qua đêm. Rốt cuộc bọn tôi ngủ rất ít. Cứ mê mải nói đủ chuyện về các cô nàng, phim ảnh, rồi âm nhạc. Tôi nhớ rõ nhất là lúc cùng cậu ấy tản bộ quanh khu nhà lúc khuya. Ba mẹ tôi đã ngủ, hàng xóm cũng tắt đèn cả. Michael nhòm vào mọi cửa sổ. Đêm tối và yên ắng.

Nó bảo, “Cậu có nghĩ là mấy người này tốt bụng hay không?”

Tôi đáp, “Nhà Anderson đó à? Có chứ. Họ già rồi.”

“Còn nhà này thì sao?”

“À, bà Lambert không thích bóng chày bay vào vườn của bà ấy đâu.”

“Còn nhà kia?”

“Bà Tanner đi thăm mẹ của bà ấy suốt ba tháng nay rồi. Thường cứ cuối tuần thì ông Tanner ngồi ở hàng hiên sau, nghe tường thuật đấu bóng chày. Tớ không biết rõ họ có tốt bụng hay không, bởi họ không có con cái gì.”

“Bà ấy bị bệnh à?”

“Ai bệnh chứ?”

“Mẹ của bà Tanner.”

“Không đâu. Nếu đúng vậy thì mẹ tớ đã biết, mà mẹ tớ đâu có nhắc tới.”

Michael gật gù. “Họ đang chuẩn bị ly dị.”

“Cậu nghĩ vậy à.”

“Ừa.”

Bọn tôi cứ thế thả bước. Có những khi Michael biết cách di chuyển thật khẽ khàng. Tôi mở ngoặc ở đây một chút, mẹ tôi nghe nói ba mẹ của Michael giờ ly dị rồi. Mẹ nói chỉ có bảy mươi phần trăm các cặp vợ chồng ở được với nhau sau khi họ mất đứa con. Tôi nghĩ mẹ tôi đọc được cái tỉ lệ này trên tạp chí nào đó.

Thương mến,

Charlie

Ngày 23 tháng Mười Một, 1991

Bạn thân mến,

Bạn có thích được nghỉ lễ cùng người thân không? Ý tôi không phải là gia đình nhỏ với ba mẹ, mà là gia đình của chú bác, cô dì, anh em họ của bạn? Riêng tôi thì thích vì nhiều lý do.

Đầu tiên là tôi rất thích thú khi thấy mọi người tỏ ra thương yêu nhau dù không có ai thực sự ưa nhau cả. Thứ hai là những vụ cãi vã lúc nào cũng y hệt.

Thường sẽ có chuyện khi ba của mẹ tôi (tức ông ngoại của tôi) cạn chầu rượu thứ ba. Từ lúc này ông bắt đầu nói nhiều. Ông ngoại của tôi thường chỉ phàn nàn về chuyện có người da đen tới sống trong khu ngụ cư lâu đời, rồi chị tôi bực ông, rồi ông ngoại bảo chị ấy sống ở ngoại thành thì biết gì mà nói. Rồi ông than rằng chẳng ai tới nhà dưỡng lão thăm nom ông. Cuối cùng ông khề khà kể những bí mật trong nhà, ví dụ chuyện người em họ gì-gì-đó từng “tặng ba-lô ngược” một cô phục vụ ở quán Big Boy. Tiện thể phải nói rằng có lẽ ông ngoại đã lãng tai, nên ông cứ oang oang khi kể mấy chuyện này.

Chị tôi cố đấu lý với ông những chẳng bao giờ thắng cuộc. Ông ngoại chắc chắn là ương ngạnh hơn chị nhiều. Mẹ tôi thường giúp bà dì nấu nướng đồ ăn, ông ngoại thì ăn gì cũng chê là “khô quá”, kể cả món súp. Tới khi bà dì phát khóc và tự nhốt mình trong phòng vệ sinh.

Nhà bà dì chỉ có một phòng vệ sinh, thế là thành chuyện khi mấy đứa anh em họ bắt đầu bị bia hành tội. Cả bọn đứng kẹp chân kẹp cẳng lại mà đập mấy phút liền, tới khi suýt dỗ được bà dì chịu ra ngoài thì lại có tiếng ông la mắng gì đó, thế là mọi chuyện trở lại từ đầu. Chỉ trừ mỗi kỳ nghỉ khi ông ngoại tôi ngất xỉu ngay sau bữa tối, còn thì các anh em họ của tôi đều phải đi vệ sinh lộ thiên chỗ mấy bụi cây. Nếu bạn nhìn ra ngoài cửa sổ như tôi làm khi ấy, có thể thấy họ lom khom như đi săn vậy. Tôi thấy rất tội nghiệp các chị em họ và các bà dì khác, bởi họ không ra bụi cây được, nhất là lúc trời lạnh.

À, còn ba tôi thường chỉ ngồi rất yên lặng mà uống rượu thôi. Ba tôi hiếm khi uống nhiều, nhưng hễ ở chơi với gia đình bên mẹ tôi là ông “xả láng”, nói theo cách thằng em họ Tommy. Tôi nghĩ tận đáy lòng, ba thích về chơi với nhà nội Ohio hơn. Vì như thế ông không phải gần ông ngoại. Ba không thích ông ngoại lắm, nhưng ông không hé nửa lời về chuyện đó. Ngay cả khi lái xe về nhà. Đơn giản là ba tôi thấy không hợp.

Rồi tàn buổi tối, ông ngoại tôi thường say lịm đi không làm gì được nữa. Ba mẹ và mấy anh em họ cùng khiêng ông ra xe của người nào hôm ấy ít giận ông nhất. Lần nào cũng là tôi đứng mở sẵn cửa cho họ ra. Ông ngoại của tôi rất to béo.

Tôi nhớ có một lần anh tôi đưa ông về nhà dưỡng lão, có tôi theo cùng. Anh tôi luôn thấu hiểu ông ngoại. Anh hiếm khi nổi cáu với ông, trừ khi ông ngoại nói điều gì đó khó nghe về mẹ tôi, chị tôi hoặc gây ra cảnh không hay. Tôi nhớ lúc đó tuyết rơi dày, chung quanh yên tĩnh. Thật thanh bình. Rồi ông ngoại tỉnh ra và bắt đầu nói chuyện kiểu khác hẳn.

Ông kể rằng hồi ông mười sáu, ông phải bỏ học vì ba của ông chết, mà phải có người đứng ra gánh vác gia đình. Ông kể về giai đoạn ông phải đi tới nhà máy ba lần một ngày xem có việc gì cho ông làm không. Rồi ông kể trời lúc đó lạnh cỡ nào. Và ông đói cỡ nào, bởi vì ông muốn chắc cả nhà được ăn no trước đã. Những chuyện ấy bọn trẻ như tôi không hiểu được bởi vì bọn tôi may mắn. Rồi ông kể về các cô con gái, mẹ tôi và dì Helen.

“Ông biết mẹ các con nghĩ sao về ông. Cả Helen nữa. Có một lần… ông đến nhà máy, không có việc gì cả…không hề… Tận hai giờ sáng ông mới về tới… buồn bực hết chỗ nói… Bà ngoại của con cho ông xem sổ liên lạc của hai đứa… C+ trung bình… Mà bọn nó đâu có ngu dốt gì. Nên ông vào phòng bọn nó cho chúng một trận ra trò… xong thì bọn nó khóc, ông chỉ giơ mấy cuốn sổ liên lạc lên mà nói… ‘Không có lần sau đâu đấy nhé’… Con bé tới giờ còn nhắc vụ đó, mẹ của con ấy mà… nhưng con biết không, quả là không bao giờ thấy điểm thấp nữa… Hai đứa nó vào đại học hết cả hai… Hồi xưa ông ước đủ khả năng cho bọn nó đi học… ông luôn muốn như thế… Giá mà con Helen hiểu được điều đó… Ông nghĩ mẹ con hiểu được…thật tâm… con bé tốt lắm… Tụi con nên tự hào về mẹ mình.”

Khi tôi kể lại chuyện này cho mẹ nghe, bà trông rất buồn bởi ông không nói những điều này với bà. Chưa bao giờ. Ngay cả khi ông đưa bà đến bục làm lễ cưới.

Nhưng kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn này có khác. Chẳng là nhà tôi mang băng video thu lại trận đấu bóng bầu dục của anh tôi cho bà con xem. Cả đại gia đình quây quần bên tivi, có cả các dì của tôi, vốn trước giờ không xem bóng bầu dục. Tôi sẽ không bao giờ quên biểu cảm trên gương mặt họ mỗi khi anh tôi giữ bóng. Rất phức tạp. Một người anh họ của tôi làm ở trạm xăng dầu. Một anh khác thất nghiệp đã hai năm nay vì bị thương ở tay. Và người khác nữa bảy năm nay luôn muốn trở lại trường đại học mà không được. Ba tôi bảo họ rất ghen tị với anh tôi, bởi anh tôi có được cơ hội và thực sự tận dụng được cơ hội ấy.

Nhưng trong giây phút anh tôi dẫn bóng, tất cả những điều ấy không quan trọng nữa, mọi người đều hết sức tự hào. Đến lúc anh tôi dẫn bóng ngoạn mục ở lượt xuống bóng thứ ba, mọi người òa ra hoan hô mặc dù có người đã xem trận đấu rồi. Tôi nhìn ba, thấy ông đang mỉm cười. Tôi nhìn mẹ, bà cũng đang mỉm cười dù hồi hộp sợ anh tôi bị thương. Kể cũng lạ vì đây là băng thu lại trận đấu mà, mẹ đã biết rằng anh ấy không hề hấn gì. Các dì, mấy người anh em họ lẫn con cái của họ, tất thảy đều cười. Cả chị tôi nữa. Chỉ có hai người không cười. Là ông ngoại và tôi.

Ông ngoại tôi đang khóc.

Đó là kiểu khóc thầm kín đáo, không thành tiếng. Chỉ có mỗi tôi để ý thấy. Tôi nghĩ tới cảnh ông đi vào phòng mẹ hồi mẹ còn nhỏ, đánh mẹ rồi giơ sổ liên lạc của bà lên, quát rằng không bao giờ được điểm thấp nữa. Có lẽ ông cũng có ý nói thế với anh trai tôi. Hoặc chị tôi. Hoặc tôi. Ông muốn đảm bảo rằng ông là người cuối cùng trong nhà phải đi làm ở nhà máy.

Tôi không biết như vậy là tốt hay xấu. Tôi không biết để con cái vui vẻ, không phải bận tâm học đại học gì cả thì liệu có tốt hơn không. Tôi không biết nên gần gũi với con gái hay nên nghiêm khắc để chắc rằng sau này nó sống sung sướng hơn mình. Đơn giản là tôi không sao biết được. Tôi chỉ yên lặng quan sát ông.

Khi trận đấu kết thúc, bữa tối cũng xong, đến lượt mọi người tỏ lời cảm ơn nhân dịp lễ. Phần nhiều lời cảm ơn ấy nhắc tới anh tôi, gia đình, con cái, hay Chúa trời. Ai nấy đều nói thật lòng, bất kể ngày mai có thế nào. Tới lượt tôi, tôi nghĩ thật kỹ bởi đây là lần đầu tiên tôi ngồi ở bàn chính với toàn người lớn, thế chỗ anh tôi.

“Con biết ơn vì anh con chơi bóng bầu dục trên tivi để không ai phải cãi nhau.”

Hầu hết mọi người khi đó đều thấy sượng. Có người còn có vẻ tức giận. Ba tôi ra ý tán đồng, nhưng ông không lên tiếng bởi đây không phải gia đình của ông. Mẹ tôi cứ nơm nớp không biết ông tôi phản ứng sao. Chỉ có một người cất tiếng đáp. Đó là dì lớn của tôi, cũng là người thường hay tự nhốt mình trong phòng vệ sinh.

“A-men.”

Và lời ấy làm mọi thứ ổn cả.

Khi nhà tôi sửa soạn về, tôi bước lại chỗ ông ngoại, ôm ông rồi hôn lên má ông. Ông đưa tay lên quệt dấu môi, rồi nhìn tôi. Ông không thích con trai cháu trai trong nhà bày tỏ tình cảm gần gũi như thế. Nhưng tôi rất vui vì đã hôn ông, phòng khi ông đột ngột qua đời. Tôi đã không kịp làm thế với dì Helen.

Thương mến,

Charlie

Ngày 7 tháng Mười Hai, 1991

Bạn thân mến,

Bạn có bao giờ nghe nói tới “Ông già Noel bí mật” chưa? Trò đó thế này, nhóm bạn bè rút thăm bỏ trong cái nón, ai bắt được tên người nào phải mua thật nhiều quà Giáng sinh cho người ấy. Quà tặng được “bí mật” đặt vào tủ đồ của người nhận lúc họ không có ở đó. Rồi chung cuộc, tất cả tổ chức tiệc, mọi người tiết lộ ai tặng ai quà gì, rồi trao nhau những món quà cuối cùng.

Ba năm trước, Sam bắt đầu trò này với nhóm bạn bè. Giờ nó gần như đã thành truyền thống. Và buổi tiệc chung cuộc luôn được chờ mong như cuộc tụ tập vui vẻ nhất cả năm. Tiệc diễn ra vào buổi tối của ngày đi học cuối cùng trước kỳ nghỉ.

Không biết ai bắt trúng tên tôi. Thăm của tôi là tên Patrick.

Tôi thật vui vì bắt trúng Patrick, dù tôi ước là bắt được Sam. Mấy tuần rồi, tôi không thấy Patrick trong lớp kỹ thuật, bởi cậu ấy dành hầu hết thời gian với Brad. Ngẫm nghĩ xem nên tặng quà gì kể ra cũng là cách hay để nghĩ tới cậu ấy.

Món quà đầu tiên sẽ là một cuộn băng nhạc. Không giải thích được, tôi chỉ biết là món ấy phù hợp. Tôi đã chọn xong xuôi các bản nhạc, cả chủ đề chính nữa: “Một mùa đông.” Nhưng tôi quyết định không tô màu lên vỏ băng. Mặt trước có nhiều bài hát của Village People và Blondie, bởi Patrick rất thích loại nhạc ấy. Trong đó cũng có bài Smells like teen spirit của Nirvana mà cả Sam và Patrick đều thích. Nhưng mặt sau mới là mặt tôi thích nhất, nó gồm toàn những bài hát mùa đông.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .